Chuyển đổi, cho tặng đất đai sẽ ra sao khi bỏ sổ hộ khẩu?
Xung quanh vấn đề này, PV VOV có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An:
- Về việc Chính phủ thông qua phương án không dùng sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân trong quản lý dân cư, ông có đánh giá như thế nào?
Tôi cho rằng quyết định này của Chính phủ là rất sáng suốt, hợp lòng dân. Bỏ những loại giấy tờ không cần thiết cho nhân dân là đúng đắn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Việc không dùng những loại giấy tờ này không có nghĩa là chúng ta buông lỏng công tác quản lý mà thực ra vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn chặt chẽ hơn. Bởi khi đó, việc quản lý sẽ dựa trên cơ sở số liệu về dân cư mà Bộ Công an và các cấp, ngành đã thực hiện, thẩm tra.
Ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An hoan nghênh quyết định bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư của Chính phủ.
- Như vậy sau khi bỏ hai loại giấy tờ này thì việc quản lý công dân sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Ông có thể cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia để thực hiện việc này đang được thực hiện như thế nào?
Đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hoàn tất, hiện chúng ta đang triển khai làm căn cước công dân, do đó việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân không có ảnh hưởng gì đến công tác quản lý.
- Khi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, cơ quan quản lý Nhà nước liệu có gặp khó khăn, áp lực gì không, thưa ông?
Cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển rất mạnh với sự ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư được thực hiện quyết liệt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Quản lý con người là khó nhất trong tất cả những vấn đề quản lý xã hội. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, không còn cảnh người dân mỗi khi ra đường phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ để cùng một lúc phải kiểm tra. Công tác quản lý con người có thể được triển khai bằng cách tích hợp tất cả các dữ liệu vào cùng một mối và được cơ quan chức năng kiểm tra thông qua hệ thống máy tính.
Do đó, khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, tôi tin là cơ quan quản lý không có áp lực gì lớn.
- Xin hỏi, việc chuyển đổi, cho tặng đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi không còn sổ hộ khẩu, chứng minh thư? Trong trường hợp xảy ra gian lận thì cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân thì trách nhiệm kiểm tra việc chuyển đổi, cho tặng đất đai là của các cơ quan chức năng Nhà nước. Bỏ những loại giấy tờ không cần thiết này cho người dân để tránh phiền phức chứ không có nghĩa là không kiểm tra các loại dịch vụ khác, buông lỏng quản lý đất đai.
"Khi người dân cung cấp dữ liệu, thông tin về việc chuyển đổi, cho tặng đất đai thì cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra lại thông qua cơ sở dữ liệu dân cư và phải trả lời chính xác..."
- Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ mất thời gian bao lâu, thưa ông?
Thời gian để chuyển đổi là đương nhiên nhưng theo tôi sẽ không dài. Không ít người quan ngại sẽ khó kiểm soát khi người dân ở các tỉnh đổ dồn về thành phố lớn, nhưng tôi cho rằng có thể kiểm soát được hết, trong đó có cả người nước ngoài sang Việt Nam. Chẳng hạn Công an tỉnh Nghệ An có mã dữ liệu, chúng tôi yêu cầu tất cả các khách sạn, quán trọ mỗi ngày, giờ cụ thể phải nhập dữ liệu và phải khai báo có bao nhiêu người.
Để việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn, tôi nghĩ rằng, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân sẽ được thực hiện sớm nhất.
- Ông đánh giá thế nào về việc tiết kiệm cho người dân khi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư?
Hiện tại chưa thể tổng kết hết để xem việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư sẽ tiết kiệm cho người dân như thế nào. Nhưng theo tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho người dân về công sức, cho cơ quan Nhà nước về kinh phí khi phải in giấy để làm sổ, trả chi phí cho nhân viên...
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận