Đến năm 2030, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu dân sống ở chung cư
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Sở đã tập trung công tác quản lý hoạt động xây dựng tiếp tục được đẩy mạnh, trong 11 tháng đầu năm, Sở đã thẩm định thiết kế cơ sở 103 hồ sơ, thẩm định thiết kế - dự toán sau thiết kế cơ sở 293 hồ sơ, qua đó cắt giảm 509 tỷ đồng, tương ứng 7,4%.
Sở thẩm định dự án, báo cáo kỹ thuật đối với 273 hồ sơ sử dụng nguồn vốn ngân sách, cắt giảm được 295 tỷ đồng... Cùng với đó, Sở đã cấp 112 giấy phép
xây dựng với tổng diện tích sàn 2,59 triệu m2; các quận, huyện, thị xã cấp trên 16,4 nghìn giấy phép xây dựng, với 3,6 triệu m2 sàn.
Đáng chú ý, công tác quản lý trật tự xây dựng được Thanh tra Sở và các Đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét. Trong 11 tháng đầu năm, các đội quản lý trật tự xây dựng quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra toàn bộ 16.885 công trình, đạt tỷ lệ 100%. Phát hiện và lập hồ sơ xử lý 891 công trình vi phạm (tỷ lệ 5,38%). Tỷ lệ các công trình vi phạm đã giảm mạnh so với các năm trước (năm 2016 là 13,5%; năm 2017 là 10,99%; năm 2018 là 5,28%).
Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, một số vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm; số công trình vi phạm tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, các trường hợp xây dựng trên đất rừng, đất nông nghiệp, đất công vẫn còn...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thẳng thắn chỉ ra cũng như ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết phải xác định trách nhiệm của ngành xây dựng đối với Thành phố là rất lớn, quyết định đến an sinh xã hội, đến sự phát triển bền vững của Thành phố, do vậy, Sở phải nhận diện sâu sắc, toàn diện những tồn tại, hạn chế đã nêu để từ đó có giải pháp khắc phục một cách căn cơ nhất.
Theo Bí thư Thành ủy, xu thế ở nhà chung cư là tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Dự báo đến năm 2030 có từ 2,4-2,5 triệu dân sống ở chung cư trên tổng số 10 triệu dân của Thành phố. Do vậy Sở cần xác định công tác quản lý chung cư có tính chất chiến lược để từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận