Gặp lại người trong bức ảnh “Giọt sữa cuối cùng”
Khi kẻ ác đội lốt con người văn minh
Vào thập niên 1970 của thế kỷ XX, tại một vùng đệm kháng chiến của tỉnh Bạc Liêu, những tên lính Mỹ, lính bảo an của VNCH, những kẻ đội lốt văn minh của nhân loại đã bắn chết một người phụ nữ không thương tiếc. Trước khi kẻ thù hành quyết, chị đã xin bồng đứa con gái bé bỏng mới 10 tháng tuổi và vạch áo cho con bú những giọt sữa cuối cùng.
Lương tri nhân loại đã chấn động trước một bức ảnh chụp tại hiện trường của phóng viên chiến trường người Anh Larry Burrows đăng trên bìa tạp chí Telegraph, xuất bản ngày 1-5-1972. Bức ảnh có dòng chú dẫn: “Và trong cái hoang vu lặng lẽ của buổi chiều tàn, giữa ngôi làng đổ nát kia, tôi tưởng tượng rằng vẫn còn một người đàn bà không rõ mặt mũi, vẫn ẩn nhẫn ngồi ôm đứa con ru cho bú. Phải chăng vẫn còn hình ảnh an ủi tuyệt đẹp và ngàn năm của ý nghĩa tồn sinh nhân loại. Đó là sự sống thách thức và cũng là tha thứ bao dung đối với cả cuộc chiến tranh dài đằng đẵng và vô ích này, với những tàn phá vô tri của con người và khí giới, bom đạn”.
Larry Burrows tác nghiệp tại các chiến trường miền Nam Việt Nam từ năm 1962-1971. Ông đã ghi lại rất nhiều hình ảnh về cuộc chiến khốc liệt tại nhiều nơi. Phóng viên này cũng đã chết cùng sĩ quan, lính Mỹ vào tháng 2-1971 trong vụ trực thăng bị quân giải phóng bắn rơi trong chiến dịch Lam Sơn giáp biên giới Lào.
Người phụ nữ thôn quê miền Tây, ngồi dựa vào cột chái hiên nhà, phía sau là bức vách tạm bằng cà tăng chứa lúa đang cho con bú, mắt nhìn xuyên đăm đắm vào đứa con bé nhỏ không rõ mặt. Bên cạnh là một tên lính Mỹ cao to, tay cầm khẩu tiểu liên AR15 lạnh lùng, vô cảm.
Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.
Bức ảnh khiến tất cả con người trên trái đất này dù chỉ xem qua một lần, cũng đủ dâng trào những cảm xúc xen lẫn căm thù sâu sắc về tội ác chiến tranh và ước vọng hòa bình được truyền tải bằng thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng. Mặc nhiên, không cần biết câu chuyện đang xảy ra trong thời chiến tranh Việt Nam đầy khốc liệt, hay ở bất kỳ một nơi nào đó trên trái đất này thì cũng thấy rờn rợn một cảm giác đầy sự đe dọa, nguy hiểm đang chực chờ người mẹ đang cho con bú. Và cũng có lẽ là những giọt sữa cuối cùng trước khi vĩnh biệt cuộc đời.
Người phụ nữ đó là du kích Nguyễn Thị Tư, sinh năm 1937, quê ở ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cùng con gái bé nhỏ Lê Mỹ Linh, sinh năm 1971, khi đó mới 10 tháng tuổi.
Những năm 1960-1971, xã Vĩnh Hưng là vùng đệm giữa căn cứ cách mạng Mỹ Trinh với Tiểu khu Bạc Liêu của địch nên thường xuyên diễn ra những trận càn quét, đánh nhau ác liệt giữa ta và địch tranh đất, giành dân. Đây là vùng trọng điểm chiến tranh nên tại xã Vĩnh Hưng, địch bố trí một tiểu đoàn bảo an, tiểu đoàn cơ động 411 và một cụm pháo 105 li cùng với mạng lưới dày đặc tay sai, mật vụ, cảnh sát, tề điệp... nhằm chống trả các cuộc tấn công của quân giải phóng và chi viện cho các vùng lân cận.
Tháng 12-1954, chị Nguyễn Thị Tư và anh Lê Văn Dõng (Năm Dõng) cưới nhau. Anh chị có với nhau 4 người con. Đầu thập niên 1970, anh Năm Dõng chồng chị Tư đang là xã đội trưởng lãnh đạo du kích xã tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng trong vùng khiến cho bọn địch tức tối, điên cuồng. Đồng đội và chỉ huy của anh Năm Dõng cho biết, tên ác ôn hay tề gian nào mà nhận thư cảnh cáo của Năm Dõng thì coi như đến ngày tận số.
Đội du kích mật của xã hoạt động “xuất quỷ nhập thần” khiến cho quân địch rất hoang mang, lo sợ. Nhờ đó mà căn cứ cách mạng của xã và lực lượng vũ trang huyện được an toàn, củng cố hơn và tăng cường thêm sức mạnh, vững tin chiến đấu với kẻ thù với hàng trăm ngàn đợt càn quét, bao đợt pháo dập, bom nhồi.
Sống hợp pháp trong vùng tạm chiếm, chị Tư thay chồng lo chu toàn cho gia đình, cha mẹ, vừa nuôi con, lập quán hàng buôn bán để nghe ngóng thông tin, bí mật cung cấp thuốc men, lương thực, làm giao liên, bảo vệ an toàn cho cán bộ ra vào vùng tạm chiếm và nuôi giấu cán bộ, du kích dưới hầm bí mật.
Bức ảnh của Larry Brows đăng trên tạp chí TeleGraph.
Cuối năm 1971, chị sinh bé út Mỹ Linh. Như bao gia đình nông dân nghèo xứ này, hằng ngày chị Tư bơi xuồng ra chợ mua rau, bán cá rồi quay về bươn chải ra đồng làm ruộng. Chị luôn vững lòng tin và lo toan việc nhà, bí mật tham gia cách mạng để chồng an tâm chiến đấu với kẻ thù. Cứ mỗi lần nghe đạn pháo dội xuống căn cứ Mỹ Trinh, thì ngay sau đó người ta thấy chị Tư tất tả chèo xuồng đi hỏi han tin tức vì chị lo cho chồng và 3 đứa em ruột đang sống trong vùng căn cứ.
Bọn địch càng tức tối, điên cuồng hơn khi truy lùng bóng dáng Năm Dõng không thấy tăm hơi, trong khi những tên tay sai, ác ôn và đồn địch liên tục bị bộ đội, du kích tấn công tiêu diệt khá nặng nề. Bọn địch bàn mưu kế hèn tung mật vụ, chó săn lùng sục khắp nơi tìm cho bằng được vợ Năm Dõng để bắt uy hiếp.
Lúc này, Đảng ủy xã Vĩnh Hưng cũng đã nhận được tin mật báo về kế hoạch đê hèn của địch, nên chỉ đạo cho chị Tư nhanh chóng trốn khỏi nơi cư trú tìm cách thoát hiểm an toàn ra vùng căn cứ cách mạng. Trước đó mấy hôm, tại xã Minh Diệu, địch đã giết hại vợ của đồng chí Hai Hoàng - Thường vụ huyện ủy Vĩnh Lợi và tiếp tục truy tìm người thân của các cán bộ lãnh đạo.
Nhận lệnh di tản, chị Tư vội vàng gửi 3 con lớn về bên ngoại, còn chị ôm bé út Mỹ Linh vừa tròn 10 tháng tuổi nhanh chóng rời khỏi ấp Trung Hưng 1 đến tá túc nhà bà Hai Đẩu ngay bến đò để chờ đến tờ mờ sáng xuống đò đến Láng Tròn lánh nạn. Nhưng tai họa đã bất thình lình ập đến...
Tầm 6 giờ chiều ngày 14-2-1972, tên đại úy Phước - Tiểu đoàn trưởng bảo an ra lệnh cho một đại đội bao vây, bắt chị Tư. Chúng đánh đập rất dã man bắt chị khai ra hầm bí mật của chồng là xã đội trưởng Năm Dõng và các du kích mật Mỹ Trinh đang trú ẩn. Không khai thác được gì, tên Phước ra lệnh: “Bắn chết, cắt lỗ tai mang về cho tao”.
Những người được sống hôm nay...
Cố soạn giả cải lương Trọng Nguyễn (Nguyễn Phú Xuân) - nguyên Chủ tịch Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, sinh năm 1933, quê ở Cà Mau, là tác giả bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” (viết năm 1997) về gương hy sinh anh dũng, đầy cảm động của liệt sỹ Nguyễn Thị Tư và đã trở thành một ca khúc nổi tiếng vang mãi trong lòng người mộ điệu. Ông đã mất trưa ngày 25-1-2018.
Sinh thời, ông kể lại: “Có lần tôi nghe người bạn kể về sự dũng cảm anh hùng của chị Nguyễn Thị Tư ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Lần theo lời kể, tôi đã tìm đến căn nhà lúc chị hy sinh, gặp bà Hà - người chứng kiến giây phút quyết tử của chị Tư. Bà Hà nói: “Bọn lính hằn học: “Chồng mày đâu, đồng đội mày đâu?”.
Tác giả bức ảnh.
Chị Tư dõng dạc trả lời không biết và mắng vào mặt bọn phản dân hại nước. Họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào chị. Chị vẫn ung dung cho bé Mỹ Linh bú, chị biết đây là những giọt sữa cuối cùng dành cho con. Súng nổ từ phía sau lưng, chị Tư ngã xuống. Đứa bé khóc thét bên bầu sữa mẹ... Nghe chuyện, tôi xúc động. Bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” đã ra đời với xúc động rưng rưng làm lay động hàng triệu trái tim...
Đứa bé 10 tháng tuổi trong bức ảnh bú những giọt sữa cuối cùng 46 năm về trước, nay là bà Lê Mỹ Linh, 47 tuổi. Cách nay 8 năm, chị đã theo chồng về sống tại tỉnh Sóc Trăng. Mừng xuân Mậu Tuất 2018, chị sửa soạn lại tươm tất bàn thờ người mẹ anh hùng là liệt sỹ Nguyễn Thị Tư tại quê chồng thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Vợ chồng chị Linh có 2 con, đứa trai út đang học THPT còn cô con gái lớn đang học ngành sư phạm.
Hồi ức về người mẹ dũng cảm, anh hùng thì chị được nghe từ ngoại và các cô dì chú bác kể lại. Từ khi có bài ca “Giọt sữa cuối cùng”, mỗi lần nghe là chị lại ngồi khóc nhớ về người mẹ kính yêu mà chưa bao giờ hình dung nổi bằng trí nhớ của đứa trẻ mới tròn 10 tháng tuổi. Mỹ Linh lớn lên với cuộc sống nghèo khổ trong vòng tay bà ngoại. Năm 23 tuổi, cô lấy chồng, mở tiệm tạm hóa nhỏ buôn bán, chồng làm ruộng chắt chiu dành dụm nuôi con học hành. Căn nhà cũ bên Vĩnh Lợi giao lại cho người chị hai thờ mẹ.
Ba cô, ông Lê Văn Dõng (Năm Dõng) năm nay đã 82 tuổi. Cựu xã đội trưởng kiên gan, dũng cảm ngày xưa nhớ như in ngày trở về đơn vị thì nghe tin giặc giết vợ: “Bọn giặc hèn hạ, chúng lùng sục tìm bắt tôi và lãnh đạo xã Vĩnh Hưng không được, chúng quay sang tìm bắt vợ cán bộ để uy hiếp, buộc phải khai ra hầm bí mật của chồng và đồng đội. Do không khai thác được gì, chúng đã bắn từ phía sau lưng vợ tôi khi ấy mới 36 tuổi. Sống trong cảnh mồ côi, Mỹ Linh chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi thương người mẹ anh hùng”. Cứ mỗi lần nghe lại bài “Giọt sữa cuối cùng” tới câu “Con hỏi mẹ đâu, sao không ai nói nên lời” là lòng tôi cứ nghẹn ngào tràn dâng...
Chị Mỹ Linh và các nhà tài trợ tại buổi khởi công xây dựng căn nhà tình nghĩa.
Cố soạn giả Trọng Nguyễn đã xây dựng hình tượng người phụ nữ - một người mẹ - một chiến sĩ cách mạng đẹp đẽ: “Bọn giặc gầm lên: Chồng mầy đâu, đồng đội mầy đâu? Chị lắc đầu: “Tôi không biết!”. Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: “Bắn!”.
“Khoan! Hãy chờ tôi giây lát”. Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi: “Con ơi, bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con...”.
Năm 1998, bà Nguyễn Thị Tư được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ và tỉnh Bạc Liêu xây tặng căn nhà tình nghĩa ngay trên nền nhà cũ ngày xưa ở Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi. Cám cảnh trước cuộc sống nghèo khó của chị Linh, cô bé 10 tháng tuổi được mẹ cho bú những giọt sữa cuối cùng trước khi hy sinh, cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động các doanh nghiệp, các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ 60,5 triệu đồng xây tặng gia đình chị Mỹ Linh căn nhà tình nghĩa tại quê chồng.
Ông Năm Dõng, chồng liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.
Không gì có thể so sánh được sự thiêng liêng cao cả, vĩ đại của tình mẫu tử. Rất nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam đã hy sinh, cống hiến cho hòa bình, độc lập dân tộc những mất mát vô cùng to lớn, cả thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là quyền làm mẹ. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đời đời ghi tạc công lao những người phụ nữ, những người mẹ rất đỗi anh hùng, cao cả như liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận