Giá ô tô 2018: Thuế nhập khẩu về 0%, Bộ Công Thương muốn điều chỉnh thuế TTĐB
Nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô nước ngoài
Bộ Công Thương cho biết, theo cam kết trong ASEAN, từ năm 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc (đạt hàm lượng giá trị khu vực từ 40% trở lên) về 0%. Việc thuế nhập khẩu giảm về 0% từ ngày 1/1/2018 dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường xe ô tô Việt Nam.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tỷ trọng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN (thực chất là từ Thái Lan và Indonesia) có xu hướng tăng dần cả về số lượng và giá trị từ năm 2014 đến nay.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, số lượng nhập khẩu ô tô từ ASEAN và Ấn Độ tăng đột biến. Dự báo sau năm 2018, lượng xe con nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng.
“Khả năng các tập đoàn có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam hoặc có thể đây chỉ là chiến lược ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường Việt Nam đủ lớn”, báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.
Song theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng, Bộ Công Thương nhận định.
Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa, dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe. Năm 2025, dự kiến đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.
Còn về thách thức, khi hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ ASEAN sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với giá cả rất cạnh tranh. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô”, Bộ Công Thương cảnh báo.
Ba nhóm giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam
Chính vì thế, Bộ này đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thứ nhất, tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, trong đó khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước; Bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước (cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước).
Thứ hai, tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp:
Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký; Áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước).
Đồng thời, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư; Áp dụng các chính sách về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Thứ ba, thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các Tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Để thực thi có hiệu quả 03 nhóm giải pháp trên, Bộ Công Thương đề xuất phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô; Ban hành qui định xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô...
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với linh kiện, phụ tùng ôtô; điều chỉnh các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tại Luật 106/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2500 cm3; Bổ sung các chính sách về thuế đối với các loại xe có kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông.
Thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/ 2022: không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước…
Báo cáo Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ; đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ giá trị tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến trong thời gian gần đây…
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận