Hưởng lợi từ chiến tranh Mỹ - Trung, Vicostone (VCS) sẽ "lợi hại" trở lại?
Được mệnh danh là "siêu cổ" khi tăng trưởng liên tục nhiều năm liền, mới đây kết quả kinh doanh kém khả quan đã khiến VCS của Vicostone điều chỉnh nhanh chóng. Tính từ đỉnh 140.000 đồng/cp hồi tháng 4, đến nay VCS đã "bốc hơi" 50% thị giá quay về vùng 70.000 đồng/cp.
Nguyên nhân cho đà giảm trên có lẽ một phần đến từ kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, trong quý 3/2018, doanh thu ước đạt của VCS là 1.056 tỷ, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 267,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Sự suy giảm đã sớm xuất hiện với VSC khi tình hình 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ đạt doanh thu 2.153 tỷ, tương ứng lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% xuống còn 521 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu VCS.
Nguyên liệu đầu vào còn nhập khẩu lớn
Thực tế, VCS đang gánh chịu rủi ro biến động giá nguyên liệu, cụ thể là giá polyester resin do phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Khi mà, vật liệu quan trọng nhất trong sản xuất đá nhân tạo (Quartz surface) bao gồm: (1) hạt thạch anh (Quartz granule); và (2) chất kết dính nhựa polyester hoặc nhựa sinh học.
Được biết, đây là 2 vật liệu chính cấu thành khối lượng thành phẩm đá nhân tạo với hạt thạch anh (93%) và nhựa (khoảng 7%). Đồng thời, với tổng tỷ trọng trong chi phí nguyên vật liệu đầu vào khoảng 60-70%; thay đổi về giá và nguồn cung của hạt thạch anh và nhựa polyester sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động của VCS. Ngoài 2 nguyên liệu trên còn có hóa chất phụ gia (Sylan, Catalyst), bột màu và cristobalite.
Trong đó, hạt thạch anh là nguyên liệu thô trọng yếu trong đầu vào của VCS. Nguyên liệu thô sau khi nhập được xử lí thành hạt mịn không tạp chất trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất. VCS mua đá thạch anh từ các nhà cung cấp ở Thổ Nhĩ Kì, Ấn Độ, Bỉ, Tây Ban Nha và trong nước với tỷ lệ nội địa ước tính khoảng 44%.
Giá quartz Thổ Nhĩ Kì xuất khẩu sang Việt Nam trong hai năm 2016 và 2017. Nguồn: Hiệp hội xuất khẩu khoáng sản Thổ Nhĩ Kì (IMMIB).
Theo IMMIB, giá đá quartz Thổ Nhĩ Kì sang Việt Nam ở mức 150-155 USD/tấn trong 2016-2017. Theo số liệu của thống kê hải quan của Ấn Độ, giá đá quartz xuất khẩu sang Việt Nam trung bình khoảng 137 USD/tấn, thấp hơn 8% so với giá xuất tại Thổ Nhĩ Kì. Như vậy, nếu tính thêm thuế nhập khẩu vào Việt Nam, cụ thể Thổ Nhĩ Kỳ (5%) và Ấn Độ (1%) kèm với chi phí vận chuyển đường thủy bằng container; giá mua vào quartz của VCS ước tính ở mức 170-190 USD/tấn.
Năm 2017, dây chuyền VCS rung ép 801.413 m2 với mỗi m2 thành phẩm nặng trung bình 60,5 kg. Để sản xuất VCS sẽ cần khoảng 45.092 tấn đá quartz trong đó khoảng 60% từ nhập khẩu và 40% là từ nhà cung cấp nội địa. Với tỷ trọng 30% trong giá thành sản phẩm; ước tính thay đổi 10% trong giá nhập đá quartz sẽ có tác động cùng chiều 3% lên giá vốn hàng bán của VCS.
Giá nhựa nguyên sinh polyester tỷ lệ thuận theo giá dầu brent và khó dự báo chính xác
Nguyên liệu chính yếu thứ hai, nhựa polyester nguyên sinh dạng lỏng được VCS nhập khẩu trực tiếp từ Singapore, Đài Loan và UAE với tổng khối lượng khoảng 1.200 tấn/tháng. Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, giá nhựa polyester unsaturated dao động từ 1,3-1,5 USD/kg tại Trung Quốc và giá nhập khẩu trung bình từ 1,80 đến 1,95 USD/kg vào Việt Nam. Với thời gian vận chuyển từ 2 đến 3 tháng, VCS tiến hành kí hợp đồng nguyên tắc vào đầu năm và chốt giá cùng khối lượng từ 2 đến 3 tháng trước khi xuất hàng.
Chi phí nhựa chiếm tỷ trọng từ 30-40% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của VCS. Ước tính với mỗi 10% thay đổi trong giá mua nhựa đầu vào, giá vốn hàng bán của VCS sẽ tăng giảm cùng chiều từ 3-4%. Tuy nhiên, do có nguồn gốc trích xuất từ dầu, giá nhựa nguyên sinh polyester biến động tỷ lệ thuận theo giá dầu brent và khó dự báo chính xác.
Diễn biến giá nhựa polyester và giá dầu thô
Giá nhựa nguyên sinh polyester tỷ lệ thuận theo giá dầu brent và khó dự báo chính xác.
Giá dầu brent trung bình đạt 79 USD/thùng trong tháng 9/2018, cao hơn 6 USD so với tháng 8/2018. Theo dự báo ngắn hạn của cục thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu brent sẽ ở mức trung bình 74 USD/thùng năm nay và 75 USD/thùng năm 2019. Đối với dầu WTI, mức giá được dự báo thấp hơn 6 USD/thùng so với brent. Nhu cầu nhựa unsaturated polyester lớn (do được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt xây dựng, đá nhân tạo và giao thông) cùng với giá dầu trung bình dự báo tăng nhẹ sẽ khiến giá nhựa tăng trong năm 2019, tác động tiêu cực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ghi nhận bởi Chứng khoán FPT (FPTS), hầu hết các nguyên liệu đầu vào của VCS đến từ nguồn nhập khẩu và trong các năm gần đây, doanh nghiệp đang tích cực tăng tỷ lệ nội địa hóa đầu vào, nhằm giảm rủi ro nguồn cung và thời gian vận chuyển. Được biết, VCS đã nhập hạt thạch anh từ một số doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên tỷ trọng là chưa cao.
Như vậy, rủi ro nguồn nguyên liệu đã, đang và sẽ tiếp tục là bài toán VCS phải giải quyết. Bên cạnh đó, FPTS cũng dự báo VCS đối mặt với rủi ro cạnh tranh từ sản phẩm thay thế như đá tự nhiên, porcelain countertops và vật liệu ép (Laminate) (đứng đầu về tỉ trọng trong tổng nhu cầu countertops tại Mỹ). Song song là rủi ro quản trị từ việc chi phối của tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa nắm giữ 80% VCS).
Xuất khẩu đá nhân tạo Trung Quốc tăng vọt, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá bán tại Mỹ
Mặc dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên VCS được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, chi tiết sẽ gia tăng sản lượng và giá bán của đá VCS tại thị trường trọng điểm Mỹ khi đá nhân tạo Trung Quốc bị áp mức thuế chống trợ cấp từ 34,38% đến 178,45% và thuế nhập khẩu 25% từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung từ cuối tháng 9/2018.
Từ năm 2012, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường countertops, nhập khẩu đá tấm nhân tạo vào Mỹ tăng mạnh trong đó nguyên do chính từ mức tăng trưởng lớn từ xuất khẩu đá nhân tạo của Trung Quốc với tỉ trọng nhập khẩu vào Mỹ trung bình hơn 50% theo sản lượng. Chỉ trong vòng 5 năm, giá trị xuất khẩu đá nhân tạo của Trung Quốc vào thị trường Mỹ tăng 12 lần từ 37 triệu USD lên 460 triệu USD. Năm 2017, các doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo Trung Quốc lớn như Foshan Yixin Stone, Fasa Industrial và Foshan Hero Stone tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc đạt 5,6 triệu m2 (+60% yoy), tương đương 53.7% tổng sản lượng nhập khẩu đá tấm nhân tạo 2017 của Mỹ nhưng giá trị nhập khẩu chỉ đạt 459.6 triệu USD, tức 46.7% tổng kim ngạch nhập khẩu đá tấm nhân tạo.
Sản lượng đá tấm nhân tạo (m2) Top 10 quốc gia xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn 2013-2017
Nguồn: Stone Update, FPTS Tổng hợp.
Giá đá nhân tạo tăng trở lại từ thuế chống bán phá giá lên đá nhân tạo Trung Quốc
Ngày 17/9/2018, Bộ thương mại Mỹ áp mức thuế chống trợ cấp giá ban đầu lên các sản phẩm đá nhân tạo của Trung Quốc với mức thuế từ 34,38% đến 178,45%. Mức thuế đưa ra sau điều tra từ kiến nghị thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Cambria – một công ty sản xuất đá nhân tạo lớn tại Mỹ - với các công ty sản xuất đá của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bán phá giá của Trung Quốc vẫn đang trong thời gian điều tra và Bộ thương mại Mỹ có thể áp thêm thuế chống bán phá giá trong một vài tháng tới.
Thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đá nhân tạo Trung Quốc. Sản phẩm đá nhân tạo có trong danh sách 200 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc. Mức thuế nhập khẩu chính phủ Mỹ đưa ra hiện là 10% và sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.
Nhập khẩu đá nhân tạo tấm của Mỹ tăng mạnh 9 tháng đầu năm 2018 với tốc độ tăng trung bình theo tháng đạt 42.3%. Trung Quốc là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này khi các doanh nghiệp nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu đá nhân tạo sang Mỹ nhằm đi trước chính sách áp thuế hải quan và thuế chống trợ cấp có hiệu lực từ cuối tháng 9/2018. Tăng trưởng xuất khẩu đá nhân tạo vào Mỹ của Trung Quốc chạm ngưỡng kỉ lục, đạt 58,8% trong quý 1; 95,5% và 122,8% cho tháng 6 và 7.
FPTS nhận định, lượng trữ hàng lớn tại Trung Quốc với mức giá rẻ do chưa bị đánh thuế sẽ khiến việc cạnh tranh bán sản phẩm trong năm 2018 của các doanh nghiệp xuất khẩu đá nhân tạo như Caesarstone, Silestone và Vicostone gặp khó khăn. Nhưng trong dài hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thuế chống trợ cấp với đá nhân tạo Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp này. Dự kiến sản lượng nhập khẩu đá nhân tạo Trung Quốc sụt giảm do ảnh hưởng của thuế sẽ mở ra cơ hội cho VCS gia tăng thị phần nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ Trung Quốc bị đánh thuế sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ giúp VCS gia tăng tỷ suất lợi nhuận tại thị trường này.
Cạnh tranh về mẫu mã
Cùng với đó, VCS còn có lợi thế khi nhu cầu đá thạch anh được dự báo tăng trưởng tốt 5,5%/năm khi thị trường xây dựng tại Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt là xây mới và nâng cấp nhà dân dụng tại Mỹ tiếp tục được dự báo mức tăng trưởng khả quan lần lượt 4% và 9% trong năm 2019.
Hiện tại, VCS đã phân phối trực tiếp tại Bắc Mỹ với 6 trung tâm phân phối (4 tại Mỹ và 2 tại Canada) cùng với hơn 50 showroom và đại lý phân phối.
+ Thị trường Mỹ: Năm 2011, VCS thiết lập hệ thống bán trực tiếp đầu tiên tại Mỹ thông qua công ty Stylen Quaza (Vicostone US).
+ Thị trường Canada: Đầu năm 2016, VCS bắt đầu phân phối trực tiếp tại thị trường Canada với công ty Stone Canada Inc.
Mặt khác, nằm trong top 4 doanh nghiệp về năng lực sản xuất đá nhân tạo, Vicostone có tính cạnh tranh về số lượng mẫu mã thiết kế nếu so với các thương hiệu đá nhân tạo lớn như Caesarstone, Silestone, LG Stone hay Compac, FPTS cho biết. Tại Mỹ, giá bán đá nhân tạo Vicostone sau khi đã tính chi phí lắp đặt thấp hơn nếu so với Caesarstone và Silestone, cùng với hệ thống 6 trung tâm phân phối trực tiếp giúp cho việc bán hàng và giao hàng của có thể cạnh tranh tốt với các thương hiệu lớn và có tên tuổi tại Bắc Mỹ.
So sánh một số thương hiệu lớn trong ngành đá ốp lát nhân tạo tại thị trường Mỹ
Nguồn: Global Alliance Home Improvement Product Inc., FPTS Tổng hợp & Ước tính.
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận