Không công chứng hợp đồng thuê nhà có sợ rủi ro?
Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng không?
Tại Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015 có nêu quy định về Hợp đồng thuê tài sản như sau:
“Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, không có quy định nào trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nói về việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà ở.
Người thuê nhà vẫn nên công chứng hợp đồng thuê nhà để tránh
những rủi ro có thể xảy ra. Ảnh minh họa
Tại Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở năm 2014 có nêu quy định:
“Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng”.
Đối chiếu với quy định trên thì hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng. Nếu các bên giao kết vẫn muốn công chứng thì có thể đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng Nhà nước để thực hiện công chứng hợp đồng thuê nhà.
Không công chứng có rủi ro gì không?
Tuy không có quy định pháp luật về việc bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở nhưng các bên giao kết hợp đồng cũng nên cân nhắc mức độ cần thiết phải công chứng hợp đồng, đặc biệt là với những hợp đồng có giá trị cao.
Với người thuê nhà, tốt nhất vẫn nên yêu cầu hợp đồng công chứng để đề phòng trường hợp chủ nhà đơn phương hủy hợp đồng, đòi lại nhà trước khi chưa đến hạn cam kết. Trong trường hợp này, nếu hợp đồng không có công chứng thì thường bên thuê nhà phải chịu thiệt. Ngoài ra, người thuê nhà cũng nên kiểm tra tính pháp lý của căn nhà định thuê như có tranh chấp, thế chấp, ngăn chặn gì hay không nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.
Công ty Luật TNHH SB LAW
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận