Làm gì khi công việc rơi vào mớ hỗn loạn? Ngồi xuống và tự vấn bản thân 5 điều sau để tìm ra lối thoát khôn ngoan nhất
Chúng ta ai cũng mong sự nghiệp của mình là một hàm số đồng biến với đồ thị đi lên từ thấp đến cao. Ai cũng mong gặp được một dự án khả thi, biến dự án đó thành công rồi từ đó có cơ hội thăng tiến lên vị trí lãnh đạo, được người người mến mộ, có nhiều tiền, có tầm ảnh hưởng lớn hơn hay bất cứ thước đo thành công nào khác ngoài các yếu tố trên.
Tuy nhiên đời không như là mơ. Công việc của chúng ta chẳng bao giờ dễ dàng như vậy.
Dự án luôn đi kèm với rủi ro. Một người có thể làm việc trong một môi trường không mong muốn. Lỗi lầm xảy ra như cơm bữa thậm chí có thể khiến bạn mất việc. Nhưng hãy thử nhìn xung quanh, nhìn vào những tấm gương thành đạt đi trước, chính cách xử lý chướng ngại trong công việc mới là yếu tốt quyết định mức độ thành công sự nghiệp của bất cứ ai.
Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, tâm trạng của chúng ta cũng xuống dốc theo. Suy nghĩ tiêu cực là cách hệ thần kinh tương tác với não bộ nhằm phản ánh tình hình hay môi trường ít khả quan. Suy nghĩ tiêu cực sau khi được hình thành sẽ nhanh chóng thể hiện dưới dạng cảm xúc. Nếu bạn hiểu rõ cơ chế hình thành cảm xúc nói trên, bạn có thể định hướng lối đi sau thất bại dễ dàng hơn.
Đừng tự trách bản thân khi bạn cảm thấy thất vọng, xấu hổ, buồn bã hay giận dữ khi có việc không may xảy đến. Đôi khi bạn cần thời gian để vượt qua những thăng trầm lớn trong sự nghiệp của mình. Đừng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng việc trở nên hà khắc thái quá với bản thân.
Hãy tận dụng và phân tích kỹ lưỡng những cảm xúc tiêu cực bạn đang trải qua bởi chúng sẽ phần nào giúp bạn hiểu vấn đề bạn đang mắc phải là gì. Và dưới đây là 5 câu hỏi hỗ trợ bạn làm việc đó:
Bạn có cáu giận không?
Sự giận dữ phản ánh rằng có ai đó hay thứ gì đó ngăn cản bạn, khiến bạn không thể đạt đến mục tiêu mong muốn hay nói cách khác, sự giận dữ phản ánh sự bất lực của bạn với tình hình hiện tại. Vì vậy, khi bạn thấy bực tức, điểm mấu chốt của vấn đề bạn đang gặp phải là: Bạn không thể đạt được những gì mình muốn hoặc mọi chuyện đang vượt quá tầm kiểm soát của bạn.
Khi cáu giận, phản ứng tự nhiên của cơ thể là phản ứng chống lại tác nhân gây ra nó. Ví dụ, bạn đang mong chờ được thăng chức nhưng thay vào đó, sếp bạn lại chọn một người khác không phải bạn, tất cả những gì bạn muốn là lúc này chắc có lẽ chỉ là gào lên rồi lao vào cãi nhau với sếp.
Có nên chống lại những trở ngại nơi công sở và nguồn cơn gây ra chúng?
Câu trả lời là tùy vào từng hoàn cảnh. Khi có người làm những việc trái đạo đức nơi công sở, ít nhất bạn cũng phải suy nghĩ rằng có nên lên tiếng về việc đó hay không.
Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống khiến bạn thấy bất lực chỉ vì kẻ đối đầu với bạn đôi khi có quyền lực cao hơn. Đối tác có quyền thích một công ty khác thay vì công ty bạn. Sếp có quyền cất nhắc một người khác vào vị trí cao hơn vì họ có năng lực.
Trong những tình huống trên, chống đối chỉ cho thấy là bạn không hiểu tình hình thực tế. Thay vì chống đối, hãy dành vài ngày suy ngẫm và học cách chấp nhận rằng bất đồng luôn luôn xảy ra. Hãy đối xử tốt với những người cùng rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi biết đâu đấy, một ngày nào đó, họ sẽ mang lại cho bạn cơ hội tốt hơn thứ mà bạn đã đánh mất.
Và dù làm gì, hãy nhớ rằng, đừng bao giờ vội phản ứng hay hành động trong cơn nóng giận. Dành thời gian 24 giờ để xoa dịu bản thân. Một email với nội dung giận dữ nghe có vẻ hợp lý khi chính bản thân bạn cũng đang bực tức nhưng tin tôi đi, bạn sẽ cảm thấy may mắn nếu như không ấn nút gửi email đó. Hơn nữa, bạn sẽ chẳng thể thuyết phục ai nếu đối đầu với họ trong tình trạng cảm xúc lấn át lý trí.
Bạn có thất vọng không?
Đối khi bạn rất mong muốn đạt được một thứ gì đó – sự thăng tiến, tăng lương hay một cơ hội thế nhưng bạn lại không thể làm được. Hy vọng lắm thì thất vọng nhiều. Cảm xúc mà bạn trải qua lúc đó chính là sự buồn bã hay nói cách khác, tuyệt vọng.
Cảm xúc này ngụ ý rằng bạn rất kỳ vọng vào một vấn đề nào đó nhưng sau cùng, mọi việc lại diễn ra không như bạn mong muốn. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, trong cái rủi có cái may. Kể cả khi mọi việc không như ý nhưng ít nhất bạn đã cố gắng hết sức, chỉ là bạn thiếu vài phần trăm may mắn để chạm tay tới thành công thôi!
Đừng để nỗi buồn làm mờ mắt mà đi chệch khỏi những mục tiêu chính trong công việc. Hoàn cảnh bất lợi đôi khi cần thiết để bạn lấy lại sự tự tin. Hãy thừa nhận nỗ lực của bạn dù nó chưa thực sự mang lại thành quả. Dùng chính năng lượng đó để hướng tới những thay đổi tích cực hơn nữa!
Bạn có cảm thấy áp lực không?
Nếu bạn cảm thấy stress khi nhận tin xấu, đây là dấu hiệu bạn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một cơn khủng hoảng nào đó. Điều đầu tiên bạn nên làm là xác nhận việc này, liệu có thứ gì đặc biệt nghiêm trọng mà bạn cần giải tuyết. Đó có thể là mối lo ngại bị mất việc. Nếu đó thực sự là thứ bạn cần đối mặt, hãy cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của nó hết mức có thể.
Tuy nhiên, đôi khi stress mà bạn đang trải qua là kết quả của tình trạng suy nghĩ thái quá – một chu kỳ của suy nghĩ tiêu cực khiến con người trở nên lo lắng dẫn tới stress. Vấn đề bạn gặp phải có thể không quá nghiêm trọng nhưng thất bại bạn từng trải qua lại khiến bạn không ngừng suy nghĩ về nỗi sợ của mình.
Nếu trường hợp trên xảy đến, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ tâm lý. Viết ra những thứ làm bạn khó chịu vì việc này sẽ giúp bạn vơi bớt những cảm xúc trong lòng. Sau cùng, hãy thử các bài tập giúp tĩnh tâm và tình trạng stress của bạn sẽ được giải quyết đáng kể.
Bạn có cảm thấy xấu hổ không?
Thất bại đôi khi dẫn đến sự tủi nhục – một cảm xúc xảy ra khi bạn lo sợ rằng hình ảnh của mình sẽ xấu đi trong mắt người khác. Bạn nghĩ rằng những việc không may xảy đến với bạn trong công việc sẽ khiến người khác có suy nghĩ đánh giá không hay về mình.
Xấu hổ chẳng bao giờ mang lại các hành vi tích cực. Thay vào đó, bạn sẽ có xu hướng khép mình hơn khi nghĩ rằng người khác coi thường mình. Sau cùng, sự xấu hổ chỉ khiến công việc và các mối quan hệ tốt đẹp của bạn đi xuống.
Thực tế thì, đôi khi đồng nghiệp của bạn còn đồng cảm với bạn nhiều hơn cách bạn thương bản thân mình. Ít nhất, hãy học cách yêu thương bản thân như cách bạn đối xử, thông cảm với đồng nghiệp mình khi họ rơi vào tình huống tương tự.
Xấu hổ chỉ làm mọi chuyện xấu đi. Nếu bạn vì nỗi sợ bị soi mói mà ít tập trung vào công việc, tránh tương tác với đồng nghiệp, chính bạn sẽ tự tay hủy hoại danh tiếng của mình chứ không phải ai khác. Thay vào đó, bạn cần thừa nhận điều đã xảy ra và tiếp tục bước về phía trước. Học cách để trở nên vững vàng khi bạn tưởng như mình sắp gục ngã. Một lời khuyên khi bạn cảm thấy xấu hổ: Giả vờ như không có gì thực sự xảy ra.
Theo Nhịp sống kinh tế/Fastcompany
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận