Mặt bằng kinh doanh nhà phố gặp khó
Giá thuê mặt bằng nhà phố đang quá cao
Anh Nguyễn Văn Lợi thuê mặt bằng nhà phố trên đường Đặng Thai Mai (Phú Nhuận) để kinh doanh thương hiệu café nhượng quyền được gần 2 năm nay. Hiện nay, anh có thể phải trả mặt bằng để tìm chỗ khác do giá thuê tăng cao. Cách đây 2 năm, anh Lợi thuê mặt bằng quán này với giá chỉ 25 triệu/tháng, đầu năm ngoái chủ nhà tăng lên 30 triệu/tháng. Đến tháng 10, chủ nhà sang nhượng lại cho một chủ mới và người này đòi tăng giá thuê lên gần 50 triệu/tháng. Người chủ mới giải thích do phải bỏ ra hơn 16 tỷ đồng để mua lại căn nhà nên phải tăng giá thuê. Dù đòi hỏi này không sai nhưng việc kinh doanh của anh Lợi không tốt hơn nên nếu tăng giá thuê như vậy anh sẽ không có lợi nhuận.
Cũng gặp khó vì kinh doanh sụt giảm trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, anh Thanh, chủ một quán ăn trên đường Thoại Ngọc Hầu (Tân Phú) cho biết nếu chủ nhà không giảm giá thuê để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, anh chỉ còn cách trả lại mặt bằng và đóng cửa. “Từ trước Tết, khi Nghị định 100 được áp dụng, việc kinh doanh của tôi đã gặp không ít khó khăn, chủ nhà lại tăng hơn 10% giá thuê. Còn chưa kịp xoay sở thì ra Tết dịch bệnh lại ập đến khiến việc buôn bán càng ế ẩm. Chi phí kinh doanh ngày càng cao, giá thực phẩm tăng mạnh, tiền công nhân viên phải tăng theo kỳ, tiền thuê mỗi tháng hơn trăm triệu… tôi chỉ có thể duy trì thêm khoảng 1 tháng nữa, nếu không có gì thay đổi chắc sẽ phải đóng cửa”, anh Thanh chia sẻ.
Theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, trong năm 2019, mặt bằng nhà phố kinh doanh luôn có giá thuê tăng cao vượt giá bán. Cụ thể, khu vực quận 1, trong năm 2019 nếu giá bán chỉ tăng trung bình tầm 7-8% thì giá thuê tăng hơn 35%. Tương tự, các địa bàn khác như quận 3, quận 10, quận 7 giá nhà phố tăng trung bình tầm 15-25% trong khi giá cho thuê có nơi tăng từ 20-30%. Một số tuyến đường lớn, sầm uất còn ghi nhận mức tăng gần 50%.
Không chỉ các khu vực mặt tiền đường lớn, mặt bằng cho thuê tại nhiều tuyến đường phụ cũng tăng 15-20%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu về mặt bằng thương mại ngày càng tăng cao. Ngoài ra, nhiều chủ nhà cũng “té nước theo mưa”, tăng giá thuê khi thấy giá bất động sản tăng trong thời gian qua. Tình trạng này khiến nhiều người kinh doanh phải hoàn trả mặt bằng vì không thể cân đối bài toán thu chi
Chủ nhà cần linh hoạt trong mùa dịch bệnh
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh F&B mới gặp khó, nhiều shop thời trang, mỹ phẩm, giáo dục, thể thao… cũng rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu khách. Tình trạng người kinh doanh trả mặt bằng vì kinh doanh khó khăn nhưng giá thuê lại quá cao đang diễn ra trên địa bàn nhiều quận nội thành. Ngay cả những tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3, nơi vốn là đất vàng khó tìm thuê nhất cũng xuất hiện tình trạng đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng nhưng không mấy ai đến hỏi.
“Các mặt bằng nhà phố, ở những nơi buôn bán nhộn nhịp, chủ nhà luôn có cớ để tăng giá theo năm, thậm chí theo quý. Giờ khi người thuê gặp khó khăn, nếu chủ nhà không thông cảm, không chấp nhận giảm giá thuê ít nhất là trong ngắn hạn để cùng chia sẻ khó khăn với người thuê thì tình trạng trả mặt bằng diễn ra sẽ ngày càng nhiều hơn” anh Tuấn Dũng, một môi giới nhà phố cho thuê tại quận 3 nhìn nhận.
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, dù chưa phổ biến nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở TP. HCM cũng đã chủ động giảm 20-30% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019. Việc giảm giá mạnh như trên đa phần đến từ các đối tác thuê dài hạn, khách thuê quen thuộc. Với những mặt bằng mới bị trả lại, chủ nhà chỉ giảm 10-20% cho khách thuê mới.
Tuy nhiên, hoạt động giảm giá này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi thị trường khó khăn chứ không tác động lâu dài. Thực tế, việc kinh doanh cho thuê đã bắt đầu khó khăn trong 3 tháng gần đây và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong 2 tháng tới. “Hiện nhiều người ký gửi cho thuê mặt bằng nhưng rất khó tìm được người thuê nếu giá thuê cao. Nếu không giảm thì phải chấp nhận để trống mặt bằng. Vì vậy nhiều chủ nhà sẽ chấp nhận thương lượng giảm giá thuê tạm thời, có thể là chia sẻ gánh nặng với người thuê hay tránh để phí mặt bằng. Nhưng nếu tình hình khả quan hơn, việc thương lượng lại giá thuê theo thị trường là tất yếu”, ông Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo Công ty môi giới nhà Thành Công nhìn nhận.
Ông Thắng cho biết thêm, việc chấp nhận giảm giá thuê như hiện nay là do yếu tố tình thế, với loại hình mặt bằng kinh doanh nội thành, nhu cầu chưa bao giờ thiếu nên nếu tình hình đi vào ổn định, giá thuê sẽ tăng trở lại, mức tăng là bao nhiêu còn tùy thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế và biến động giá BĐS trên thị trường.
Phương Uyên
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận