Nhà giá rẻ đang giao dịch sôi động bỗng rơi cảnh ế ẩm
Bỗng chốc đìu hiu…
Từ năm 2018 đến nay, thị trường Hà Nội khan hiếm các sản phẩm nhà ở giá rẻ, số lượng dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khan hiếm nguồn cung mới khiến hoạt động mua bán trên thị trường thứ cấp phân khúc giá rẻ khá sôi nổi. Các dự án thuộc Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm luôn nằm trong tầm ngắm của người có nhu cầu ở thực. Do đó, giai đoạn này, thị trường cũng hình thành những môi giới chỉ chuyên bán hàng chuyển nhượng phân khúc giá rẻ và sống khỏe nhờ nguồn hàng này.
Không thể phủ nhận các dự án của Tập đoàn Mường Thanh mà người đứng đầu là “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản chiếm thị phần lớn tại thị trường giá rẻ Hà Nội. Với mức giá mềm hơn hẳn so với các dự án khác cùng phân khúc, lại tọa lạc ở nhiều vị trí khá gần trung tâm, một số dự án giá rẻ của đại gia Thản luôn ghi nhận giao dịch tốt trên thị trường thứ cấp.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt những thông tin bất lợi liên quan đến nhà giá rẻ như “ông trùm” của phân khúc này bị khởi tố, một loạt dự án bị thu hồi sổ đỏ đã khiến giao dịch nhà giá rẻ trở nên trầm lắng.
Anh Phạm Hải Tiến, một môi giới chuyên bán nhà giá rẻ khu vực Hoàng Mai cho biết, những tháng trước, ngày nào anh cũng dẫn khách đi xem nhà. Thế nhưng, khoảng 2 tuần nay, cả tuần anh mới có đôi ba khách đặt lịch hẹn. Data khách hàng thu được từ chạy quảng cáo thời gian này, khi anh gọi điện mời chào đều bày tỏ sự nghi ngại với nhà giá rẻ sau hàng loạt những “sự cố” liên tiếp. “Có khách đã đặt cọc căn hộ ở khu Linh Đàm nhưng ngay sau những thông tin trên đã kiên quyết đòi hủy cọc”, anh Tiến chia sẻ.
Chung tình cảnh, chị Nguyễn Hương Trà đang rao bán căn hộ giá rẻ ở khu đô thị Kim Văn Kim Lũ cho biết, đợt đầu tháng môi giới vẫn đều đặn dẫn khách đến xem nhà, thế nhưng hơn tuần nay, cả tuần mới chỉ có đúng 1 khách được môi giới đưa đến. Vị khách này sau khi hỏi han các thông tin về căn hộ cũng không thấy liên lạc lại. Chị Trà ngán ngẩm cho biết, chị đang cần tiền gấp để thanh toán nốt và chuyển đến căn nhà riêng mới mua. Tình trạng “ế ẩm” khiến chị sốt ruột, đứng ngồi không yên.
Oái oăm hơn, anh Vũ Văn Xuân, lập trình viên một công ty tại Nam Từ Liêm cho biết, căn hộ của anh thuộc một dự án giá rẻ ở Hà Đông đã được cấp sổ đầy đủ và cũng không nằm trong danh sách những dự án chung cư bị thu hồi sổ đỏ nhưng nhiều khách vẫn vin vào những câu chuyện đó để “ép giá”.
Còn theo môi giới Phạm Hải Tiến, trước đó, sự khan hiếm nhà giá rẻ khiến một số dự án có vị trí gần trung tâm hơn hẳn có thể bán ngang giá hoặc chênh nhẹ so với lúc mua vào thì ở thời điểm này, giá rao bán nhiều căn hộ đã giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, lượng người hỏi mua đang sụt giảm mạnh do những lo lắng, nghi ngại về tính pháp lý, chất lượng nhà giá rẻ.
Sau hàng loạt những thông tin bất lợi, thị trường thứ cấp phân khúc căn hộ
giá rẻ vốn sôi động đã chững lại. Ảnh minh họa
Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, một dự án giá rẻ quy mô lớn với mức giá chào bán dao động từ 10-12 triệu đồng/m2 của đại gia Lê Thanh Thản ở Thanh Trì vốn vẫn tấp nập khách mua, tham quan dự án trong các tháng đầu năm thì thời điểm hiện tại, những văn phòng nhà đất, sàn giao dịch chuyên bán dự án này vô cùng vắng vẻ.
Người mua chú trọng hơn pháp lý
Anh Lê Hùng, môi giới một sàn giao dịch có trụ sở tại Thanh Xuân cho biết những lùm xùm liên tiếp của nhà giá rẻ thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến tâm lý khách hàng. Một điều thú vị là khoảng 2 tuần qua, trong những cuộc điện thoại hay gặp gỡ trực tiếp, vấn đề đầu tiên khách hàng hỏi anh là về giấy phép xây dựng, quy hoạch dự án, trong khi thời gian trước đó, vị trí, giá tiền, tiện ích mới là những yếu tố đầu tiên khách quan tâm, sau đó mới đến vấn đề pháp lý.
Chị Hồng Mai, nhân viên một sàn giao dịch tại Cầu Giấy cũng thừa nhận hiện tượng trên. Trên thực tế, bản thân các khách hàng vẫn quan tâm đến pháp lý các dự án khi mua nhà, nhưng rõ ràng, sau những lùm xùm trên, khi tìm hiểu dự án, ngoài các yêu cầu về thông tin chủ đầu tư, mặt bằng căn hộ, tiện ích, khách có xu hướng đặt vấn đề pháp lý lên trước tiên khi yêu cầu sale gửi luôn các giấy tờ pháp lý về quy hoạch, giấy phép xây dựng… ngay từ đầu.
Chị Trần Hoài Thanh (Đồng Me, Nam Từ Liêm) đang chuẩn bị xuống tiền với 1 căn hộ ở Hà Đông chia sẻ, trước đây chị biết nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm với tư tưởng nếu có bị phạt thì cũng là “phạt cho tồn tại” nhưng với những diễn biến gần đây, chị Thanh nhận ra, nếu không tìm hiểu kĩ, thì dù mình là người mua ngay tình vẫn có thể gánh mọi rủi ro. Do đó, bên cạnh việc tìm hiểu kĩ, hai vợ chồng chị cũng nhờ đến luật sư trước khi quyết định đặt bút kí hợp đồng.
Hải Miên
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận