Nhiều hộ dân tại Hóc Môn khốn đốn vì mua nhà qua Thừa phát lại
Vì sao mua nhà pháp lý đầy đủ vẫn bị "đập?”
Khoảng 40 hộ dân ở gần chợ Thới Tứ (đường Trịnh Thị Miếng, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Tp.HCM) chưa được một ngày ăn ngon ngủ yên kể từ khi mua nhà. Những người dân ở đây kể lại, cách đây khoảng 3 năm, nhiều người tìm đến đây mua nhà khi thấy thông tin quảng cáo nhà xây sẵn, giá rẻ lại có pháp lý đầy đủ.
Chủ nhà là ông H. khi đó đã đưa cho khách xem đầy đủ giấy phép xây dựng. Chỉ có một vấn đề là phần lớn những căn nhà này đều có diện tích chỉ khoảng 36m2, không đủ điều kiện tách thửa. Thấy mọi người lưỡng lự, ông H. trấn an: “Việc mua bán sẽ được công chứng, sang tên đầy đủ”.
Tin lời ông H., không ít người đã mua nhà của ông này với giá từ 300 - 400 triệu đồng. Sau đó, người mua được ông H. dẫn đi làm các thủ tục công chứng, sang tên tại một văn phòng thừa phát lại. Thế nhưng, dọn đến ở nhà mới chưa “ấm chỗ”, những hộ dân này đã bất ngờ nhận “hung tin” do chính quyền địa phương gửi đến: "Tất cả các căn nhà đều xây trái phép, yêu cầu người dân tháo dỡ".
Nhiều hộ dân gần chợ Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn mất ăn mất
ngủ sau khi mua nhà qua Thừa phát lại
Tuy nhiên không hộ dân nào chịu tháo dỡ nhà cửa vì cho rằng, mình đã mua nhà có công chứng đầy đủ. Cuối cùng, cơ quan chức năng phải trực tiếp cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm của những căn nhà này. Công trình trên phần diện tích còn lại không đủ chỗ ở, có những hộ dân lén lút xây lại, nhưng sau đó cũng bị dỡ bỏ.
Anh T., một trong số các chủ nhà bị phá dỡ than thở: “Vợ chồng tôi làm công nhân, tích góp gần 20 năm mới mua được căn nhà. Giờ nhà không ra nhà, cuộc sống hết sức khổ sở”.
Gần đó, vợ chồng anh H. đang nuôi bốn đứa con nheo nhóc, sau cả chục năm trời ở trọ, tưởng bây giờ đã có chỗ ở đàng hoàng, nào ngờ nhà mua xong liền bị “xén” non nửa, cả nhà lại sống chen chúc, chật chội như trước.
Anh L. (quê gốc ở Long An) kể, sau nhiều năm tích cóp, chắt chiu, anh cũng để ra được 200 triệu đồng rồi vay thêm 200 triệu nữa để mua căn nhà ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn). Vừa dọn đến ở, anh hốt hoảng khi có người đến đòi lại ngôi nhà và trưng ra nhiều giấy tờ làm bằng chứng. Khi đến UBND xã trình báo, nhờ xã can thiệp, anh L. mới vỡ lẽ căn nhà anh mua cùng lúc được bán cho nhiều người khác. Tất cả người mua đều có công chứng qua thừa phát lại. Sau đó, anh tìm người chủ bán căn nhà này cho anh là chị Q., chị này cũng vô cùng ngạc nhiên, chạy tìm người bán căn nhà này cho chị là bà H. để hỏi cho ra lẽ. Thế nhưng, sau vài cuộc điện thoại thì bà này đổi số điện thoại, bán nhà và dọn đi mất. Cuối cùng, anh L. chỉ còn cách kiện chị Q. ra tòa, nhưng do quá nghèo, chị Q. cũng không có tiền trả cho anh.
Những ngôi nhà người dân mua qua thừa phát lại bị đập tan nát vì xây trái phép
Công chứng qua Thừa phát lại có phải là một kiểu lừa đảo?
Theo ghi nhận thực tế, không chỉ ở Hóc Môn, tình trạng bán nhà qua thừa phát còn diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương khác. Có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang trên đất diện tích từ 30 - 40m2 với kết cấu một trệt, một lầu được chủ nhà rao bán với giá rẻ bất ngờ: từ 500 - 600 triệu đồng/căn. Người bán không quên nhấn mạnh nhà có đầy đủ giấy tờ pháp lý.
Vào vai người cần mua nhà, chúng tôi được chủ nhà tên H. khẳng định nhà đã có đầy đủ giấy tờ nên sẽ đưa người mua đến văn phòng thừa phát lại sang tên, công chứng đàng hoàng. Khi chúng tôi không đồng ý mà đòi đến văn phòng công chứng làm các thủ tục, ông H. liền trấn an: “Chỗ nào cũng được, nhưng đây là loại hình công chứng mới. Họ làm nhanh và chu đáo hơn”.
UBND huyện Hóc Môn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất qua văn phòng thừa phát lại. Bất chấp cơ quan chức năng đã xử phạt vì thế chấp nhà đất ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay, sai phép, nhiều chủ tài sản vẫn tiếp tục bán nhà bằng cách dụ dỗ người mua lập vi bằng qua thừa phát lại. Những người mua nhà chủ yếu do thiếu hiểu biết, tưởng giao dịch như vậy là hợp pháp.
Phần công trình nham nhở còn lại sau khi bị cưỡng chế phá dỡ vì sai phạm. Nhà cửa
bị đập nát khiến nhiều hộ dân tại Hóc Môn khốn đốn
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn thông tin: “Phòng chưa nắm số liệu cụ thể các trường hợp bị lừa vì các vụ việc này hiện do phía công an thụ lý. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng một số người môi giới bất động sản tại Hóc Môn đã sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng tiến hành giao dịch nhà đất”. Theo vị này, sở dĩ người bán dùng “vi bằng” trong giao dịch bất động sản là nhằm thuyết phục bên mua rằng giao dịch bất động sản đã được đảm bảo về pháp lý nhưng thực chất, vi bằng không phải là một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh mà chỉ là cách dùng từ sai, tùy tiện của “cò” đất.
Một cán bộ phụ trách địa chính - xây dựng xã Bà Điểm huyện Hóc Môn cũng cho biết: “Đặc điểm của các khu nhà này là xây dựng khá đẹp, có kết cấu giống nhau, đường sá khang trang, giá bán chỉ khoảng 800 triệu đồng trở lại, thu hút người có thu nhập thấp mua. Nhưng có trường hợp, mua nhà chỉ một thời gian thì bị ngân hàng “siết” nợ do chủ nhà đã cầm cố cho ngân hàng từ trước đó”.
Trong khi đó, theo quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai thì việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất), được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Luật cũng yêu cầu bên bán phải tiến hành các thủ tục đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện. Đây mới là những quy trình đúng theo quy định của pháp luật.
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận