Những "con sâu" làm xấu nghề môi giới
Sự bùng nổ đội ngũ môi giới đã góp phần giúp thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua sôi động. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát, quản lý nên cũng đem đến không ít hệ lụy cho thị trường. Người dân nhìn những người môi giới nhà đất bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.
Bùng nổ thiếu kiểm soát
Khoảng 2-3 năm trước, khi thị trường BĐS hồi phục, nhiều dự án được hồi sinh và triển khai mới, kéo theo sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp môi giới nhà đất. Họ đua nhau tuyển nhân sự, đào tạo qua loa rồi cho ra thị trường kiếm khách. Họ được gắn những cái tên rất kêu như chuyên viên môi giới nhà đất, nhân viên kinh doanh BĐS… trong khi lại không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào như pháp luật quy định.
Vì áp lực doanh số, được công ty "bật đèn xanh", các nhân viên môi giới này giở đủ trò để chào mời, dụ dỗ khách xuống tiền mua đất, mua căn hộ, biệt thự… như đồng loạt tràn ra đường phát tờ rơi, lôi kéo người đi đường gây mất trật tự, an toàn giao thông; rao bán nhà đất TP HCM nhưng chở khách đi tận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để xem dự án; mạo danh những tập đoàn lớn, ngân hàng; liên tục nhắn tin, gọi điện chào mời hoặc nói quá sự thật về dự án để chiêu dụ khách hàng xuống tiền; tung giá ảo, đồn thổi thông tin để đẩy giá nhà đất… Một đại diện Hội Môi giới Việt Nam thừa nhận nhiều nội dung quảng cáo, rao bán BĐS các website, trang tin, mạng xã hội, nhất là những tờ tin có chi phí rẻ hiện nay không đáng tin cậy, tỉ lệ sai biệt đến hơn 90%.
Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, dẫn một khảo sát sơ bộ của hội cho thấy cả nước có khoảng 160.000 người làm môi giới BĐS nhưng chỉ 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. "Trăn trở của Hội Môi giới Việt Nam hiện nay là làm sao để có cơ sở quản lý những người hành nghề môi giới một cách bài bản, góp phần làm thị trường BĐS ổn định hơn" - ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, một văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho thấy cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 10% nhân viên môi giới đã qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp. "Đây cũng là một nguyên nhân gây ra thiệt hại cho khách hàng và tác động tiêu cực đến thị trường BĐS" - HoREA nhận định.
Nhân viên môi giới đất nền dựng banner quảng cáo và phát tờ rơi cho người đi đường. (Ảnh chụp ở Quốc lộ 13 đi qua tỉnh Bình Dương). Ảnh: SƠN NHUNG
Rao một đằng, bán một nẻo
Khi tìm hiểu để viết loạt bài này, phóng viên liên tục nhận được các tin nhắn chào mời như: "Hiện tại ngân hàng B. thu hồi nợ 15 nền đất ngay sân bay Long Thành. Mặt tiền đại lộ Biên Hòa - Long Thành 60 m... liên hệ 03481200..."; "Thanh lý 25 lô đất Trần Văn Giàu, giá 850 triệu đồng/nền, đường nhựa 18 m, NH hỗ trợ 50%, chiết khấu 7%... liên hệ 09087431..."; "Ngân hàng S. thanh lý 10 lô đất Thủ Đức, giá tốt. Vui lòng liên hệ...".
Liên lạc với một số điện thoại trong số này, chúng tôi được người bên kia giới thiệu buổi đấu giá thanh lý đất nền được ngân hàng S. tổ chức vào sáng chủ nhật 21-7 tại một địa chỉ trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP HCM). Người này sau đó thường xuyên dùng 2 số điện thoại thay nhau gọi nhắc chúng tôi "đừng bỏ lỡ cơ hội mua đất nền giá tốt của ngân hàng thanh lý".
Có mặt tại điểm hẹn đúng giờ, phóng viên nhận ra đây không phải ngân hàng mà trụ sở của Công ty Tạo Tín Phát với rất nhiều nhân viên đang tư vấn cho khách đến dự, cả những người đang đi trên đường cũng được chào mời.
Tiếp chúng tôi, một nhân viên tên Thiện lấy ra tờ giấy vẽ sẵn một dự án rất đẹp mắt với 13 lô đất nằm ở khu vực Quốc lộ 13, thuộc quận Thủ Đức, TP HCM. Ban đầu Thiện nói chưa có giá chính xác, lúc sau lại nói tầm 1,8 tỉ đồng cho lô đất diện tích 4x15 m. Thiện cho biết dự án này được công ty nhận thanh lý của ngân hàng, tất cả có sổ riêng, chủ đầu tư là Công ty Thanh Hà. Khi chúng tôi đòi đi xem đất thì Thiện lại lái câu chuyện sang hướng khác, quảng cáo về hàng loạt dự án công ty đang nhận thanh lý ở Bình Dương như dự án ở đối diện Bệnh viện Hạnh Phúc, dự án ở Thủ Dầu Một, dự án Phương Trường An ở Bến Cát… Lúc khác, Thiện lại nhận Công ty Tạo Tín Phát là chủ đầu tư phát triển hạ tầng, đường sá, điện nước... Cuối cùng, khách hàng được mời lên xe để đi xem dự án Phương Trường An chứ không phải khu đất ở Quốc lộ 13 thuộc quận Thủ Đức như giới thiệu ban đầu. Lấy lý do dự án quá xa nên phóng viên từ chối không đi xem đất, một số người khác cũng bỏ về chỉ có vài người lớn tuổi được nhân viên "dìu" lên xe đi xem dự án.
Cũng với chiêu mượn danh ngân hàng thanh lý nhà đất, một môi giới nhắn tin: "Thay mặt Phòng Thanh lý tài sản Ngân hàng S., mời chị đến địa chỉ tổ chức trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM để tham gia chương trình… ". Nhưng khi liên lạc và tìm hiểu, phóng viên được biết địa điểm nói trên thực chất là quán cà phê, điểm tập kết để các môi giới dẫn khách đi xem dự án ở khu vực Long An.
Một lần khác, người viết nhận được cuộc gọi của một người tự giới thiệu tên Ngoan, là nhân viên kinh doanh BĐS của Công ty Năng Lực Việt (trụ sở Bình Dương), đang bán dự án đất nền giá tầm 650-900 triệu đồng/nền. Khi chúng tôi vặn hỏi một loạt vấn đề liên quan đến vị trí dự án, pháp lý, chủ đầu tư thì nhân viên này ú ớ, không biết trả lời và vội vàng chuyển điện thoại sang một người khác. Người này tự xưng là quản lý của Ngoan. "Vị quản lý" này giới thiệu cho chúng tôi về dự án KCN Nam Tân Uyên gần trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương do Công ty Địa ốc Kim Hoàng làm chủ đầu tư, chuẩn bị mở bán vào ngày 27-7 tới, hiện chưa có giá cụ thể.
Liên hệ với phóng viên, bà Thu Minh, quê Hà Tĩnh vào TP HCM nuôi con gái đang sinh, kể mới đây bà đi tìm hiểu mua chung cư nhưng lại được nhiều nhân viên môi giới liên lạc mời gọi mua đất nền. "Tôi nghe họ giới thiệu đất nền ở khu quận 2 có giá tầm hơn 1 tỉ đồng, tính ra tầm 20 triệu đồng/m2. Tôi khấp khởi mừng vì mua được đất rẻ xây nhà vẫn hơn mua chung cư nhưng con rể nhắn tôi liên lạc lại với người tư vấn hỏi rõ đất quận 2 ở khu vực nào, pháp lý thế nào, nếu đất có sổ mà đúng giá 20 triệu đồng/m2, thậm chí 30 triệu/m2, cứ đăng ký mua 10 lô xem họ nói gì. Khi tôi làm theo lời con rể thì nhân viên tư vấn ẫm ờ rồi tắt máy" - bà Minh thuật lại.
Đề nghị siết chặt quản lý
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường quản lý để bảo đảm ổn định thị trường BĐS. Do gần đây, một số địa phương xảy ra tình trạng doanh nghiệp BĐS vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật khác có liên quan. Các sai phạm bao gồm: triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh BĐS trái quy định; phân lô bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...
Nhận định thực trạng này gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh; tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động thị trường; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm.
T.Dương
Theo Sơn Nhung - Trang Nguyễn
Người lao động
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận