Tp.HCM: Nhộn nhịp hoạt động xây bán ki -ốt
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, những dãy ki-ốt có quy mô từ 50-250m2, trong đó một ki-ốt (1 quầy hàng) rộng từ 12 – 25m2 đang được các NĐT lẻ, doanh nghiệp chào bán khá nhiều. Mô hình này nở rộ mạnh mẽ tại các khu vực gần chợ, có mặt tiền đường rộng, nơi cư dân đã ở đông đúc, sầm uất. Bề ngoài của dãy ki-ốt giống như những dãy nhà trọ chia phòng nhỏ. Các ki-ốt đều tọa lạc ở các vị trí mặt tiền đường, nơi diễn ra hoạt động buôn bán nhộn nhịp. So với các mặt bằng kinh doanh truyền thống thì loại hình ki-ốt có số lượng ít hơn, nằm rải rác ở các khu chợ, xen lẫn ở các khu dân cư đông đúc với giá cho thuê thấp hơn. Diện tích mỗi ki-ốt đa số nhỏ hơn các mặt bằng kinh doanh.
Đầu tư ki-ốt có thể mang về lợi nhuận cao nếu NĐT săn được quỹ đất đẹp
Những ki-ốt do NĐT tự xây rồi bán hoặc cho thuê xuất hiện chủ yếu ở khu vực ven thành phố. Tại đây, cộng đồng cư dân mới đang trong quá trình hình thành nên quỹ đất trống còn khá dồi dào để phát triển các ki-ốt nhỏ lẻ. Nhiều NĐT có quỹ đất mua trước đó thay vì xây nhà hoặc dãy trọ đã xây ki-ốt lẻ cho thuê nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Theo ghi nhận của PV Batdongsan.com.vn, hoạt động sang nhượng ki-ốt tại Tp.HCM diễn ra nhộn nhịp từ cuối năm 2016 đến nay. Giai đoạn này cư dân mới đổ về khu ven khá đông đã tác động đến nhu cầu bán buôn tại đây. Nhiều tiểu thương tìm kiếm mặt bằng kinh doanh truyền thống nhưng do giá thuê “chát” nên đã chuyển hướng tìm các ki-ốt. Ngoài ra, những người kinh doanh mặt hàng nhỏ lẻ, thời vụ thường tìm kiếm các ki-ốt diện tích nhỏ để phù hợp với nhu cầu.
Tại Q.9 (khu Đông Tp.HCM), nhiều NĐT “săn” các khu đất diện tích rộng từ 125-200m2 xây thành các dãy ki-ốt, cho thuê hoặc bán lẻ cho giới tiểu thương. Mỗi ki-ốt diện tích từ 20-25m2, NĐT có thể khai thác cho thuê với giá từ 4-6 triệu đồng/tháng. Những ki-ốt diện tích lớn hơn (50-70m2), giá thuê dao động từ 8 -9 triệu đồng/ki-ốt/tháng.
Vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu về quầy kinh doanh mặt hàng dịp Tết “tăng nhiệt” khiến hoạt động xây bán hoặc cho thuê ki-ốt tại khu vực này cũng nở rộ theo. Gần các khu chợ như chợ Long Trường, Tăng Nhơn Phú B (Q.9), Tân Lập, Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), Linh Xuân, Hiệp Phú, Phước Long (Q.Thủ Đức)…. nhiều dãy ki-ốt quy mô nhỏ và vừa mọc lên. Mỗi ki-ốt NĐT chào giá trung bình từ 230 – 350 triệu đồng.
Tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, Q.8 (khu Tây Tp.HCM), các ki-ốt mới cũng được NĐT chào bán nhiều hơn ở thời điểm giáp Tết. Giá mỗi ki-ốt NĐT sang nhượng ở khu vực này rơi vào mức từ 200-300 triệu đồng/ki-ốt. Giá cho thuê từ 5-7 triệu đồng/tháng (tùy diện tích, vị trí). So với khu Đông, khu vực này hoạt động buôn bán nhộn nhịp hơn, nhưng giá đất khu vực thấp hơn khu Đông nên giá chào bán mỗi ki-ốt cũng thấp hơn khoảng 30-80 triệu đồng/ki-ốt. Gần các khu chợ như Rạch Ông, Minh Phụng, chợ đầu mối Hóc Môn, An Sương… nhiều NĐT xây dựng các ki-ốt nhỏ lẻ bán lại cho tiểu thương buôn bán trong hoặc ngoài chợ.
Theo ghi nhận của PV, hoạt động xây ki-ốt nhỏ lẻ chủ yếu do NĐT tự vận hành nên khả năng lấp đầy khách thuê hoặc mua không đáng lo ngại. Đa số các ki-ốt này có thanh khoản khá tốt. Lợi nhuận của NĐT được duy trì ổn định. Được biết, ở các khu vực cư dân đông đúc, buôn bán sầm uất, loại hình ki-ốt ra hàng khá nhanh. Ngoài việc bán cả dãy ki-ốt thì NĐT có thể linh hoạt cho thuê hoặc bán từng ki-ốt lẻ để thu dòng tiền. Về mức lời, đối với NĐT có đất tự xây ki-ốt, mức hưởng chênh có thể đạt từ 250 triệu đồng trong vòng 6 – 7 tháng (nếu bán nguyên dãy ki-ốt). Đối với NĐT thứ cấp mua đi bán lại mức chênh hưởng từ 60 – 70 triệu đồng/ki-ốt trong vòng 6 tháng (từng ki-ốt lẻ).
Ông Vũ Ngọc Tiến, NĐT ngụ P.Trường Thạnh, Q.9 chia sẻ: “Loại hình đầu tư này không nở rộ như đất nền, nhà trọ… nhưng dòng tiền thu về ổn định và có thể đột biến nếu NĐT “săn” được quỹ đất đẹp, có lợi thế gần chợ, trung tâm thương mại hoặc nơi buôn bán sầm uất, hút khách mua/thuê”.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, không ít NĐT “mắc cạn” vì đầu tư khoản tiền lớn vào đất mặt tiền, xây ki-ốt nhưng “bỏ trống” thời gian dài vì không có khách thuê, khó chuyển nhượng do giá bán cao, từ đó thêm gánh nặng lãi ngân hàng. Ngoài ra, đa số các tiểu thương mua lẻ từng ki-ốt từ các NĐT đều rơi vào tình trạng chung sổ nên việc chuyển nhượng và sở hữu lâu dài còn khá “nhập nhằng”.
Phương Nga
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận