Uẩn khúc vụ tranh chấp "đất vàng" gần 20 năm tại Sài Gòn
Một lô đất cấp trùng nhiều sổ đỏ
Cụ thể, phần đất tranh chấp có diện tích 9.793m2, thuộc thửa 58 và 59, tờ bản đồ số 15, có nguồn gốc sử dụng từ gia đình ông bà Trần Văn Bảy - Lương Thị Mùi (cha mẹ ruột ông Trần Văn Vân).
Theo thông tin từ UBND Tp.HCM, ngày 18/11/1996, khu đất này đã được ông Bảy bà Mùi chuyển quyền sử dụng cho ông Đỗ Đức Trung. Năm 2003, ông Đỗ Đức Trung được Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc (Công ty Đại Phúc) thực hiện bồi thường với phần đất 9.793m2 để đầu tư xây dựng Dự án Khu nhà ở rạch Bà Tánh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Hiện trạng khu đất diễn ra tranh chấp |
Điều đáng nói là khi Công ty Đại Phúc thực hiện bồi thường cho ông Đỗ Đức Trung, thì khu đất này vẫn thuộc chủ quyền của gia đình ông bà Trần Văn Bảy - Lương Thị Mùi. Được biết, UBND huyện Bình Chánh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSD/trang 265/Q1, ngày 27/11/1998, cho gia đình ông Bảy bà Mùi.
Tháng 2/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, liên quan đến Dự án Khu nhà ở rạch Bà Tánh cho Công ty Đại Phúc. Trong đó, có 52 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan đến phần diện tích đất thuộc thửa 58, 59 tờ bản đồ số 15. Theo tiết lộ của UBND Tp.HCM, Công ty Đại Phúc đã chuyển nhượng hết các nền đất cho khách hàng.
UBND huyện Bình Chánh liên tục thay đổi quyết định
Từ sự việc cấp trùng sổ đỏ trên phần đất có diện tích 9.793m2, thuộc thửa 58 và 59, tờ bản đồ số 15, UBND huyện Bình Chánh đã ra nhiều Quyết định khác nhau để xử lý vấn đề này.
Ngày 16/6/2014, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật ký Quyết định số 7760/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/ trang 265/Q1, ngày 27/11/1998, của UBND huyện Bình Chánh cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi, tại xã Bình Hưng với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã cấp không đúng theo quy định pháp luật (không đúng đối tượng sử dụng đất).
Đến ngày 2/10/2014, ông Đoàn Nhật lại ký văn bản số 13109/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 7760/QĐ-UBND, ngày 16/6/2014, của UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/trang 265/Q1, ngày 27/11/1998 của UBND huyện Bình Chánh, cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi, tại xã Bình Hưng.
Về lý do hủy bỏ Quyết định số 7760/QĐ-UBND, UBND Tp.HCM cho biết, chưa đủ cơ sở xác định hộ bà Lương Thị Mùi không sử dụng phần đất có diện tích 9.793m2, thuộc thửa 58 và 59, tờ bản đồ số 15, tài liệu 02/CT-UB bộ địa chính xã Bình Hưng, tại thời điểm UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/ trang 265/Q1, ngày 27/11/1998, cho hộ bà Lương Thị Mùi (theo báo cáo số 266/BC-UBND ngày 24/9/2014 của UBND xã Bình Hưng).
Sau 2 văn bản trái chiều của UBND Tp.HCM trong năm 2014, ngày 8/12/2015, ông Nguyễn Văn Hồng, một vị Phó Chủ tịch khác của UBND huyện Bình Chánh lại ký Quyết định số 11083/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/ trang 265/Q1, ngày 27/11/1998, của UBND huyện Bình Chánh, cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi, tại xã Bình Hưng với lý do thu hồi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất.
Tranh chấp, khiếu kiện kéo dài
Sau khi Quyết định số 11083/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/ trang 265/Q1 của UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Văn Vân (người thừa kế của gia đình ông Bảy bà Mùi) đã nhiều lần khiếu nại.
Nhưng theo Quyết định số 104/QĐ-UBND, ngày 11/1/2018, về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Vân (lần 2), UBND Tp.HCM đã bác khiếu nại của ông. UBND Tp.HCM cho rằng, việc UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 2660/QĐ-UBND ngày 26/4/2016 về giải quyết khiếu nại lần đầu với nội dung: “Giữ nguyên Quyết định số 11083/QĐ-UBND, ngày 8/12/2015, của UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/ trang 265/Q1, ngày 27/11/1998, của UBND huyện Bình Chánh, cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh” là đúng quy định pháp luật.
Theo UBND Tp.HCM, việc ông Vân khiếu nại Quyết định số 2660/QĐ-UBND, ngày 26/4/2016, về giải quyết khiếu nại (lần đầu) là không có cơ sở xem xét giải quyết. Song, ông Vân cho rằng, gia đình ông đã yêu cầu UBND Tp.HCM trả lời bằng văn bản là sổ đỏ cấp cho gia đình ông đúng hay sổ đỏ cấp cho Công ty Đại Phúc đúng, nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời.
Hồ sơ thất lạc, còn nhiều “ẩn số”
Cho đến nay, ông Vân vẫn không thừa nhận việc gia đình ông bán đất cho ông Đỗ Đức Trung (người được Công ty Đại Phúc thực hiện bồi thường, trên mảnh đất gia đình ông Vân được cấp “sổ đỏ”). Đồng thời, ông Vân cũng đã tố giác ông Đỗ Đức Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả mạo Đơn xin chuyển quyền sử dụng 9.793m2 đất, thuộc thửa 58 và 59, tờ bản đồ số 15.
Theo kết quả điều tra, xác minh từ nội dung đơn của ông Vân tố cáo ông Đỗ Đức Trung lừa đảo chiếm đoạt đất, ngày 24/4/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Tp.HCM (CSĐT-CATP) kết luận, không đủ căn cứ để xác nhận có việc chuyển nhượng đất giữa hộ Trần Văn Bảy, Lương Thị Mùi cho ông Trung. CSĐT-CATP yêu cầu Công ty Đại Phúc cung cấp bản chính Giấy viết tay ngày 19/1/1996 và Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất ngày 18/11/1996 nhưng Công ty này đã làm thất lạc. Do đó, Cơ quan CSĐT không thể thực hiện việc giám định lại tài liệu để xác minh có việc mua bán hay không và không có căn cứ xác định có dấu hiệu của tội phạm.
Bên cạnh đó, CSĐT-CATP cũng cho rằng, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Đỗ Đức Trung cho Công ty Đại Phúc đã vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giao dịch chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải qua công chứng).
Với những diễn biến trên, vụ việc tranh chấp phần đất 9.793m2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vẫn còn nhiều uẩn khúc chờ các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận