Việt Nam đăng cai cuộc họp lần 2 Liên minh Viễn thông Châu Á TBD
Sáng 29/1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp lần thứ 2 của Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT). Đây là cuộc họp được Bộ TT&TT cùng APT phối hợp tổ chức.
Nội dung chính của cuộc họp xoay quanh công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) (PP18-2). Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 30/1 – 01/2/2018.
Hội thảo sẽ tập trung giới thiệu tổng quát về Hội nghị Toàn quyền của ITU (cấu trúc, quy trình, thủ tục, tài liệu), các vấn đề chính của Hội nghị và các chủ đề đang được quan tâm như chính sách công về Internet, an ninh mạng, mục tiêu phát triển bền vững đến 2030, Connect 2020...
Hội nghị toàn quyền (PP-18) là hội nghị cấp cao nhất của ITU nhằm xây dựng chính sách và kế hoạch chiến lược của liên minh giai đoạn tới. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra định hướng liên quan đến vấn đề nhân lực trong ITU, bầu cử Ban Lãnh đạo ITU và một số vị trí của cơ quan điều hành giai đoạn tới (2019-2022).
Tham gia hai sự kiện này có khoảng 90 đại biểu đến từ 18 nước thành viên, 4 thành viên liên kết (APNIC, ISOC, GSMA, doanh nghiệp), các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực (ITU, ATU, CITEL, ICANN…).
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), thành viên của Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến (RRB) của ITU có bài phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), thành viên của Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến của ITU cho biết: “Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về kinh tế và ICT trong những năm gần đây. Chúng ta mong muốn các kết quả của PP sẽ mang lại các lợi ích cho các nước thành viên và cho cả khu vực.”
Mỗi nước khi cử thành viên đến tham dự Hội nghị toàn quyền đều mong muốn là một phần của quá trình đưa ra quyết định của Hội nghị. Lợi ích của mỗi nước thành viên sẽ được phản ánh trong các kết quả của Hội nghị. Điều này đòi hỏi các đại biểu phải có các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để tham dự PP, bao gồm kỹ năng chuẩn bị các tài liệu đóng góp và thảo luận hiệu quả.
“Trong những năm qua, Việt Nam là một thành viên tích cực của APT, ITU và đã có nhiều đóng góp tích cực đến các Hội nghị lớn như PP, WRC, WTDC và WTSA. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đây là lý do mà chúng tôi rất vui mừng đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này”, ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Theo người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện: “Chúng ta đang hướng đến Hội nghị toàn quyền được tổ chức từ ngày 29/10 đến 16/11/2018 tại Dubai, UAE. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng quyết định đến hoạt động của ITU trong vòng 4 năm tới”.
Cuộc họp lần thứ 2 của Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT). Ảnh: Trọng Đạt |
Để chuẩn bị cho PP-18, Liên minh Viễn thông châu Á- Thái Bình Dương (APT) có kế hoạch triển khai 4 cuộc họp, bao gồm 1 cuộc họp năm 2017 và 3 cuộc năm 2018. Những cuộc họp này được tổ chức nhằm xây dựng các đề xuất chung của khu vực trình lên PP-18.
Cuộc họp lần thứ nhất nhằm chuẩn bị cho Hội nghị PP-18 của APT đã diễn ra tại Thái Lan vào tháng 6/2017. Cuộc họp này đã thống nhất về cơ cấu tổ chức và bầu các vị trí chủ tịch/phó chủ tịch của nhóm chuẩn bị và các nhóm làm việc. Trong đó, đại diện của Malaysia là chủ tịch của nhóm chuẩn bị. Đại diện của Việt Nam giữ vị trí phó chủ tịch nhóm làm việc số 1 (WG1).
Cuộc họp lần 2 của APT (PP18-2) do Việt Nam đăng cai là bước tiếp theo để chuẩn bị cho PP-18. Cuộc họp lần này bàn về nội dung chính và các vấn đề quan tâm từ phía các nước thành viên để xây dựng đề xuất chung của khu vực APT.
Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm cơ quan quản lý về Viễn thông, Công nghệ thông tin và truyền thông của các nước là thành viên ITU trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có đại diện các tổ chức quốc tế, giới nghiên cứu, các hãng sản xuất và nhà khai thác trong khu vực, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Trọng Đạt
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận